CÙNG CHUNG TAY THỰC HIỆN TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHÚNG TA MỚI CÓ THỂ TẠO RA MỘT THẾ HỆ KHỎE MẠNH VÀ BẢO VỆ TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC
CÙNG CHUNG TAY THỰC HIỆN TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CHÚNG TA MỚI CÓ THỂ
TẠO RA MỘT THẾ HỆ KHỎE MẠNH VÀ BẢO VỆ TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC
Chương trình tiêm chủng mở rộng là nền tảng quan trọng trong chiến lược y tế công cộng tại Việt Nam. Thông qua việc tiêm ngừa miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh, chương trình này đã giúp kiểm soát nhiều bệnh dịch nguy hiểm, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Trong 02 ngày mùng 04/05/12/2024 trạm Y tế phường Nam Cường thực hiện triển khai tiêm chủng mở rộng và triển khai uống vắc xin Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng tháng 12 năm 2024 trên địa bàn phường, theo Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 02/12/2024 của Ủy ban nhân dân phường Nam Cường về Kế hoạch triển khai tiêm chủng mở rộng tháng 12 năm 2024.
Được sự quan tâm của Ban chỉ đạo CSSKND phường Nam Cường, sự phối hợp của 18 tổ trưởng dân phố, đội ngũ cộng tác viên dân số đã thực hiện thông báo thời gian, địa điểm, lịch tiêm cụ thể cho nhân dân trên hệ thống truyền thanh của phường 01 lần/ngày vào ngày 01+02/12/2024.
Tuyên truyền tác dụng của việc tiêm chủng mở rộng, các bệnh trong dự án tiêm chủng (Bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, Sởi – Rubella, viêm não Nhật Bản B, vắc xin Rota )... trên hệ thống truyền thanh của phường.
Trạm Y tế phường đã thực hiện triển khai tiêm, uống vắc xin theo đúng kế hoạch và đạt kết quả cao trong công tác tiêm chủng mở rộng tại địa phương.
Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với xã hội và là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc mà đảng và Nhà nước dành cho trẻ.
Để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bậc phụ huynh cần ghi nhớ Lịch tiêm chủng cho trẻ như sau:
- Trẻ sơ sinh: Tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG); Phòng bệnh Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
- Trẻ đủ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1 (vắc xin 5 trong 1); Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1.
- Trẻ 3 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 2.
- Trẻ 4 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 3.
- Trẻ từ đủ 02 tháng đến dưới 06 tháng tuổi: được uống vắc xin Rota (Rotarix).
- Trẻ 5 tháng tuổi: tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt IPV.
- Trẻ đủ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi lần 1; tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt IPV lần 2.
- Trẻ 18 tháng tuổi: Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4. Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR).
- Từ 12 tháng tuổi: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm.
Lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, cơ thể chưa thể tự tạo ra kháng thể để chống lại các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
Lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng là giúp bảo vệ cơ thể trẻ một cách toàn diện, giảm thiểu nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Điều này góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ trong tương lai. Do đó, các bậc phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế khuyến nghị hàng năm, đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ và đúng lịch, tránh bỏ sót các mũi tiêm quan trọng.
Một số hình ảnh trẻ uống và tiêm, phụ nữ mang thai tiêm phòng trong hai ngày 04/05/12/2024
Quy trình tiêm chủng mở rộng
Quy trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế, bao gồm 4 bước cơ bản nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn cho trẻ em:
Bước 1: Khai thác tiền sử:
Việc khai thác tiền sử bao gồm: Xác định rõ thông tin cá nhân của trẻ như tên, tuổi, địa chỉ. Hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, tiền sử bệnh tật. Kiểm tra phiếu tiêm chủng để xác định các mũi tiêm đã thực hiện trước đó.
Bước 2: Theo dõi tình trạng sức khỏe hiện tại
Quan sát tình trạng sức khỏe hiện tại thông qua việc: Đánh giá thể trạng của trẻ qua việc quan sát màu da và niêm mạc. Kiểm tra tình trạng sốt, các dấu hiệu bất thường để đảm bảo trẻ đủ điều kiện tiêm chủng.
Bước 3: Chỉ định tiêm
Sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định việc tiêm chủng phù hợp.
Bước 4: Tư vấn tiêm chủng
Sau khi tiêm, bác sĩ cần tư vấn các thông tin bao gồm: Thông báo rõ ràng về loại vắc xin sẽ tiêm và khả năng phòng bệnh của vắc xin. Hướng dẫn phụ huynh cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau khi tiêm, giải thích về các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng. Đặt lịch hẹn cho lần tiêm chủng tiếp theo, đảm bảo trẻ được tiêm đủ các mũi theo khuyến cáo.
Quy trình này đảm bảo trẻ em được tiêm chủng một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về quá trình chăm sóc sau tiêm.
Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ, phụ huynh khi được các nhân viên Y tế thông báo, hãy quan tâm đưa trẻ đến Trạm Y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em.
Mọi Trẻ em có quyền được hưởng thụ các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, do vậy trách nhiệm của gia đình, các bậc cha mẹ phải đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch./.
Nguồn tin bài, ảnh trạm Y tế phường Nam Cường